Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng - Chuyên khoa Nhi - Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng, cho biết:

Trẻ bị các bệnh đường hô hấp đều có thể ho khan. Ho cũng có thể do bé đi ngủ ngay sau khi ăn uống hoặc do ban ngày con trẻ vui đùa, chạy nhảy quá nhiều. Cũng có nhiều trẻ bị ho nhiều về đêm là do trẻ bị cảm lạnh, viêm xoang. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng khi trẻ ho, không ngủ được. Trẻ bị hen cũng hay bị ho về đêm do đường thở có khuynh hướng tăng nhạy cảm, dễ kích ứng về đêm. Ngoài ra có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hay bị ho nhiều về đêm. Để có kết luận chính xác nhất về tình trạng ho của trẻ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh chữa ho cho trẻ.

Cách chăm sóc bé bị ho đêm: Có thể sử dụng các bài thuốc dân gian để giảm ho cho trẻ. Đó là cách dùng quất hấp mật ong, mật ong với lá húng chanh, lá hẹ… chắt lấy nước cho con uống. Những cách này giúp bé giảm ho hiệu quả mà không lo ảnh hưởng bởi tác dụng phụ. Ngoài cách sử dụng các bài thuốc dân gian, nên hạn chế cho bé ăn uống sát giờ trước khi đi ngủ. Tốt nhất nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ ít nhất là một giờ. Trước khi cho bé đi ngủ, hãy cho uống một thìa mật ong ấm. Mật ong ấm sẽ giúp con hạn chế cơn ho, làm cơn ho dịu đi và giúp con ngủ ngon hơn.

Bạn cũng lưu ý không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi. Khi đi ngủ, nên kê cao gối cho trẻ, đầu và vai cao hơn thân để ngăn đờm nhớt hay nước mũi chảy xuống họng. Hãy giữ ấm cho con khi ngủ, không hở bụng, hở tay dễ khiến con bị nhiễm lạnh và ho nhiều hơn.

Trường hợp bị ho nhiều, nên cho bé uống nhiều nước, ăn cháo loãng dễ tiêu hóa, hạn chế ăn các loại thức ăn dễ kích thích như tôm, cua, ghẹ.

Tránh xa bé khỏi môi trường ô nhiễm như môi trường nhiều khói thuốc lá, bụi đường.

Các trường hợp bé ho nhiều kéo dài, ho sâu, khó thở, đau bụng, nên đưa đến khám Bác sĩ. Không tự ý sủ dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng

Mẹ viêm bể thận, có lây sang con?

Câu hỏi: Chào bác sĩ. Cháu mới sinh em bé được một tháng. Cháu bị viêm bể thận vậy cháu có được cho con bú không. Và có lây sang con của cháu không. Hiện cháu đang cho con bú nhưng không biết con có bị lây bệnh của mẹ không. Bác sĩ cho cháu hỏi bệnh của cháu có chữa được không và điều trị trong bao lâu thì khỏi. Cháu điều trị bằng thuốc bắc cho bé bú có ảnh hưởng gì không. Mấy ngày trước cháu bị đau ở vùng lưng đau quặn lại và cảm thấy không thở được. Vậy có phải bệnh của cháu nặng hơn rồi không Mong bác sĩ giải đáp giùm cháu. Cháu rất lo lắng về bệnh của cháu. Cháu chỉ biêt nhìn con mà rơi nước mắt.

Trả lời: BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú - Chuyên khoa Nội - Sản - Nhi - Khoa Giám định – Viện Pháp y Quốc gia, cho biết:

Viêm đài bể thận là một loại bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), thường bắt đầu ở niệu đạo hoặc bàng quang và đi lên thận. Bệnh cần được điều trị và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách, bệnh nhiễm trùng thận có thể dẫn đến suy thận, lây lan đến máu và gây ra nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Điều trị viêm đài bể thận thường bao gồm thuốc kháng sinh và thường phải nhập viện.

Viêm bể thận không phải là bệnh lây qua sữa mẹ, bệnh cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, do đó nếu không phải dùng những thuốc kháng sinh có chống chỉ định cho phụ nữ cho con bú, thì cháu hoàn toàn có thể cho em bé bú bình thường.

Viêm thận bể thận không thể điều trị khỏi bằng thuốc bắc, ngoài ra một số loại thuốc bắc có thể ảnh hưởng đến mùi vị của sữa mẹ, khiến em bé không chịu bú mẹ.

Không thể đánh giá được tiến triển bệnh của cháu nếu chỉ dựa vào những triệu chứng như đau quặn vùng lưng và không thở được. Do đó thay vì chỉ biết nhìn con mà rơi nước mắt thì cháu nên mạnh dạn đi khám chuyên khoa tiết niệu, các bác sĩ sẽ kiểm tra và cho cháu làm những xét nghiệm cần thiết, từ đó mới có thể đánh giá được tình trạng bệnh và điều trị triệt để cho cháu.

BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú

Nở rộ dịch vụ hút mụn bằng ống tre: Coi chừng nhiễm bệnh!

Ống tre được sử dụng làm dụng cụ hút mụn 

Ống tre được sử dụng làm dụng cụ hút mụn

Nở rộ dịch vụ hút mụn bằng ống tre

Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, dịch vụ hút mụn bằng ống tre nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Đặc biệt là những người đang phải khổ sở vì mụn.Với giá khoảng 1 triệu đồng cho 5 lần hút mụn, dịch vụ hút mụn bằng ống tre còn mở rộng nhiều dịch vụ đi kèm như chăm sóc da, làm đẹp da bằng thảo mộc…

Theo chị Phương Thảo ( Liễu Giai, Ba Đình, HN), da của chị thuộc loại da nhờn nên thường xuyên có mụn, đặc biệt có nhiều mụn bọc gây sưng tấy và rất mất thẩm mỹ. “Tôi đã từng sử dụng nhiều loại mỹ phẩm kèm dịch vụ trị mụn ở spa nhưng tình trạng không đỡ. Nghe bạn bèn giới thiệu dịch vụ hút mụn bằng ống tre nên cũng muốn thử”, chị Thảo cho biết.

Tuy nhiên, sau 3 lần dử dụng dịch vụ này, giờ đây da chị Thảo đã không những không hết được mụn mà nhưng chỗ hút giờ trở thành sẹo lõm, trông còn tệ hại hơn rất nhiều."Tôi đã gắng dùng phấn che nhưng vẫn không thể lấp đầy những nốt rỗ, hậu quả của những lần đi hút mụn. Ban đầu trên da mặt nổi vài mụn bọc, mụn mủ gây ngứa mãi không hết, tôi đã đi hút mụn bằng ống tre và hậu quả là thế này", chị Thảo than thở.

Giống chị Thảo, anh Bình ( Trần Cung, Cổ Nhuế, Từ Liêm, HN) cũng chung số phận khi mặt chi chít rỗ mà mụn thì vẫn mưng lên, các mụn mủ li ti mọc nhiều hơn.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, dịch vụ trị mụn được mở rộng từ cửa hàng làm tóc, spa hạng bình dân cho đến các beauty salon hạng sang với nhiều phương pháp trị mụn từ bình dân đến mãy móc hiện đại với giá đa dạng từ vài trăm cho tới vài triệu /một lần sử dụng dịch vụ.Nhiều cơ sở chăm sóc da sau khi khách đến hút mụn, đều phải mua kèm theo các loại kem được giới thiệu là dưỡng da dạng “độc quyền” điều trị mụn với giá cả cũng "trên trời".

Tại mỹ viện chăm sóc da trên đường Nguyễn Công Hoan ( HN) nhân viên cho biết, giá hút 300.000đ/lần, hút mụn xong phải dùng "thuốc gia truyền" bôi da, giá 60.000đ/hũ. Cô nhân viên đưa chúng tôi xem hũ nhỏ không nhãn mác, dạng kem mỡ màu trắng trong, hướng dẫn cách dùng "ngày thoa 2 lần sau khi đi hút mụn, lộ trình hút mụn chỉ 3 - 4 lần là khỏi...". Tại đây, chúng tôi gặp anh P.K.T. là khách hàng, với khuôn mặt chi chít mụn đỏ lừ, anh T. cho biết: "Tôi đi hút 3 lần rồi mà không thấy đỡ hơn chút nào, cứ hết đợt điều trị mụn lại mọc đầy, ngứa ngáy. Lỡ theo rồi thì hút thêm lần này nữa xem thế nào...".

Những hình ảnh kinh hãi sau khi hút mụn bằng ống tre

Những hình ảnh kinh hãi sau khi hút mụn bằng ống tre

Gây rỗ mặt, hỏng da

BS Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chỉnh hình & Phục hồi chức năng TPHCM cho rằng, liệu trình điều trị mụn phải kết hợp nhiều vấn đề, nguyên nhân gây mụn do chân lông rộng, mặt nhiều nhờn, do ảnh hưởng nội tiết. Mụn trên da lại phân thành nhiều loại như mụn bọc, mụn cám, mụn đầu đen nhưng nếu vào dịch vụ chăm sóc da là cắt, nặn, hút.

Việc rộ lên dịch vụ giới thiệu các loại thiết bị được cho là hút mụn thực ra là đánh lừa cảm giác mụn được hút sạch cả chân, với loại mụn được chỉ định phải hút thì đều phải cắt, nặn, sau đó mới hút. Khâu này chỉ là hút các máu bầm, mủ, còn đọng lại. Chưa có loại máy móc, thiết bị nào hút được hết mụn, chỉ là hút mụn cám - loại này không cần tới máy móc.

Các chuyên gia da liễu đều khẳng định, hút mụn bằng máy hay ống tre đều là tạo áp lực hút. Ống trúc, ống tre được nung nóng, sau đó đưa ống nóng vào hút máu mủ dư còn lại trên mụn khi đã cắt, nặn, nếu không cẩn thận gây bỏng da, tạo viêm, nhiễm trùng. Việc nặn, cắt mụn thủ công không đúng, không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nhiễm trùng da. Điệp khúc cắt, nặn, hút, nhiễm trùng nhiều lần làm mất mô da gây sẹo, rỗ mặt.

Hiện tại, nhiều trung tâm thẩm mỹ thực hiện thủ thuật hút mụn chủ yếu là bán mỹ phẩm dưỡng da, điều trị mụn... Trong đó, có loại kem làm trắng da tức thời, gây bít lỗ chân lông, có loại chứa corticor, dexa khiến người dùng chỉ trong thời gian ngắn có cảm giác khỏi mụn nhưng sau đó da lại nổi mụn nhiều hơn và gây nám. Mặt khác, tay nghề đội ngũ nhân viên không được kiểm soát, việc thực hiện các khâu vô trùng thiết bị, dụng cụ trong điều trị nặn, hút mụn khó mà đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật tiệt trùng, nên việc lây nhiễm các bệnh như HIV, viêm gan siêu vi, viêm nhiễm là khó tránh khỏi.

Theo BS Trần Thanh Hoài (Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Chỉnh hình & Phục hồi chức năng), việc hút mụn hay lấy nhân mụn chỉ là một giải pháp tức thời, không giúp da hết mụn vì thực tế các nguyên nhân gây mụn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Biện pháp này chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ điều trị trong một số ít trường hợp với mục đích giải quyết sự tắc nghẽn của các ống tuyến bã tạm thời. Nên thực hiện việc lấy nhân mụn trong những điều kiện y tế đảm bảo điều kiện vệ sinh tốt, vô trùng và sử dụng thuốc kháng sinh chống sẹo rỗ sau này.

(Theo Chất lượng Việt Nam)

Trẻ nổi mụn, cha mẹ chớ lo!

Vì sao trẻ nhỏ lại nổi mụn? Mụn xuất hiện khi các tuyến dầu trên da tiết quá nhiều bã nhờn (sebum) gây bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và làm da bị tổn thương. Ở những nơi tập trung nhiều tuyến dầu như mặt, cổ, lưng, vai và ngực của trẻ thường dễ gặp vấn đề về mụn hơn cả và chủ yếu là mụn đầu trắng. Các chuyên gia cho rằng trẻ bị nổi mụn có thể do di truyền hoặc do thời tiết oi nóng. Ngoài hai yếu tố ấy thì việc người mẹ sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú, trẻ nhỏ bị bệnh phải dùng thuốc hay việc mẹ chống nắng, bôi da cho con bằng những loại kem không phù hợp cũng được xem là nguyên nhân gây nên mụn.


noi mun Làm cách nào “xóa sổ” mụn?
Mụn ở trẻ nhỏ, nhất là các bé sơ sinh sau một thời gian ngắn đều tự động biến mất, song nếu da trẻ quá nhạy cảm, mụn sẽ thường xuyên tìm đến và ở lại lâu hơn khiến trẻ không ngừng ngứa ngáy, khó chịu. Để con bạn sớm thoát khỏi những nốt mụn “cứng đầu” hãy nhớ: - Rửa sạch vùng da nổi mụn bằng nước ấm ngày 1 – 3 lần - Hạn chế dùng xà bông, sữa tắm, dầu gội hay các loại dầu trên vùng da bị tổn thương - Thấm khô da sau khi rửa - Không bôi các sản phẩm chăm sóc da, trị mụn của người lớn lên da bé nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ - Ngưng sử dụng các loại kem bôi da cho đến khi da hết mụn - Thử chấm vài giọt sữa mẹ lên nốt mụn và chờ xem điều kỳ diệu nhé! Nếu mụn lâu ngày không xẹp hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng viêm, bạn nên đưa ngay trẻ tới bệnh viện da liễu hoặc các cơ sở khám, chữa chuyên khoa uy tín khác để kịp thời điều trị.

Chơi điện tử giúp tăng khả năng tập trung chú ý

Trưởng nhóm nghiên cứu ông Marc Palaus từ Universitat Oberta de Catalunya, Tây Ban Nha đã tiết lộ rằng những người chơi điện tử có sự cải thiện trong một số dạng chú ý như sự chú ý kéo dài hoặc sự chú ý chọn lọc.

Chơi các trò chơi video cũng làm tăng kích thước và hiệu quả hoạt động của các vùng não liên quan đến kỹ năng thị giác.

Hơn nữa ở những người chơi điện tử, các vùng não liên quan đến sự chú ý hoạt động hiệu quả hơn và tập trung tốt hơn trong các nhiệm vụ đòi hỏi sự chú ý cao độ.

Hầu hết những người chơi điện tử thời gian dài đều có hồi hải mã phải phát triển.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Frontiers in Neuroscience, nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích 122 nghiên cứu khoa học, trong đó 22 nghiên cứu xem xét những thay đổi cấu trúc trong não và 100 nghiên cứu xem xét sự thay đổi chức năng não/hành vi.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo chơi điện tử quá nhiều có thể dẫn đến nghiện game và các vấn đề sức khỏe như béo phì, thị lực kém cũng như các vấn đề về tình cảm.

BS. Tuyết Mai

(Theo Boldsky)

Top thực phẩm là chất độc khi ăn tái sống

Thực phẩm sống, thực phẩm tái luôn ẩn chứa những hiểm họa khó lường. Đặc biệt, với các thực phẩm rất thông dụng dưới đây, bạn càng nên nấu chín thật kĩ trước khi ăn.

Thịt gà

Theo The Daily Meal, thịt gà được bán ở các siêu thị, cửa hàng đã được sơ chế, nhưng cũng thu nhận rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn khác có thể gây hại cho cơ thể nếu bạn không nấu kỹ. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn nấu chín thịt gà ở nhiệt độ ít nhất là 165oC.

Ngoài ra, bạn không cần phải rửa sạch thịt gà trước khi nấu vì các vi khuẩn trên thịt gà sẽ bị tiêu diệt trong quá trình nấu. Hơn nữa, khi rửa thịt gà, nước bắn tung tóe sẽ làm lây lan vi khuẩn ra toàn bộ khu bếp.

Sắn

Củ sắn có chứa cyanide, hoặc glycosides cyanogenic, các độc tố nằm chủ yếu ở lá, có tác dụng ngăn chặn các loại côn trùng và động vật, nhưng một phần độc tố này cũng nằm dưới lớp vỏ sắn. Vì vậy, để tận dụng tối ưu dinh dưỡng của sắn và ngăn ngừa độc tố, bạn cần gọt vỏ, ngâm nước, rửa sạch và nấu chín sắn càng sớm càng tốt sau khi thu hoạch.

Bạn nên nấu chín thịt gà ở nhiệt độ 165oC để tiêu diệt vi khuẩn độc hại (Ảnh: Thedailymeal)

Trứng

Nhiều người có sở thích ăn trứng sống, lòng đào, chần sơ qua, tuy nhiên, đó không phải là cách ăn trứng thông minh. Trong quá trình tạo ra protein, trứng sống cũng có khả năng bị nhiễm sán salmonella (1/30.000 quả). Mặc dù tỷ lệ gây độc của salmonella trong trứng không mạnh, nó cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa, khó chịu cho người ăn.

Khoai tây chuyển màu xanh, mọc mầm

Bạn có biết rằng khoai tây để lâu có thể chuyển thành màu xanh hoặc mọc mầm? Khi đó, chúng sẽ gây ngộ độc cho con người nếu không được nấu chín kỹ. Nguyên nhân là do khi bắt đầu chuyển màu, khoai tây chứa một lượng lớn chất hóa học gây độc solanine. Nếu trúng độc, bạn có thể bị đau đầu, khó thở, nôn mửa và các vấn đề tiêu hóa khác.

Để tránh khoai tây chuyển màu, bạn nên bảo quản chúng ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Thịt lợn

Thịt lợn không cần phải nấu chín quá kỹ, nhưng bạn cũng không nên ăn thịt quá tái. Thịt lợn không được nấu ở nhiệt độ thích hợp có thể bị nhiễm giun đũa, sán heo, sán dây... Nó có thể truyền ký sinh trùng vào cơ thể người, gây nhiễm sán, ngộ độc cấp tính hay dịch tả.

Đậu đỏ

Nếu bạn ăn phải đậu đỏ sống, lectin, một chất độc hại có trong thực phẩm này sẽ khiến bạn cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, đau bụng trong vòng vài giờ. Do vậy, bạn cần ngâm chúng ít nhất 5 giờ rồi mới nấu ăn để tránh bị ngộ độc.

Trẻ em tóc bạc dễ mắc bệnh lý mãn tính

Thông thường, tóc bạc xuất hiện ở những người từ 45 tuổi trở đi còn bạc tóc xuất hiện trước tuổi 45 được gọi là tóc bạc sớm.

BS. Nguyễn Văn An - Chuyên khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, cho biết:

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tóc bạc sớm như:

- Sử dụng quá nhiều thuốc nhuộm và các loại mỹ phẩm gây hại cho tóc không chỉ làm cho tóc bạc sớm mà còn làm cho tóc xơ và dễ gãy.

- Căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, những người phải làm việc trí óc nhiều cũng thường bạc tóc sớm hơn.

- Yếu tố di truyền: các nhà khoa học đã tìm ra gen liên quan tới bệnh tóc bạc sớm. Vì vậy, trong những gia đình có ông bà, bố mẹ bị tóc bạc sớm thì con, cháu cũng thường bị tóc bạc sớm.

- Thiếu các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, đặc biệt là vitamin B và vitamin E.

- Tóc tiếp xúc với ánh nắng trong một thời gian dài.

- Rối loạn các hoóc-môn, đặc biệt là các hoóc-môn sinh dục và hoóc-môn tuyến giáp.

- Lạm dụng thuốc, nhất là các loại thuốc kháng sinh.

- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có tỉ lệ tóc bạc sớm cao gấp 4 lần so với những người không hút thuốc.

- Chế độ ăn uống không cân đối: ăn quá nhiều thịt và đồ ngọt, ăn ít rau xanh và hoa quả, uống nhiều rượu bia, cà phê,… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tóc bạc sớm.

- Ngoài ra, còn có thể do các bệnh lý ác tính về máu.

Như vậy, bệnh tóc bạc sớm có rất nhiều nguyên nhân như trên, có nguyên nhân do chế độ ăn uống, sinh hoạt, có nguyên nhân bệnh lý. Vì vậy, trước tiên bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống bổ sung vitamin B và vitamin E, hạn chế sử dụng các loại thuốc nhuộm tóc, không lạm dụng thuốc, bỏ hút thuốc lá không chỉ làm giảm nguy cơ bạc tóc sớm mà còn giảm nguy cơ bị ung thư phổi và các bệnh lý mãn tính về phổi.

Nếu sau một thời gian đã điều chỉnh chế độ sinh hoạt mà tình trạng bệnh không đỡ thì nên đi khám chuyên khoa da liễu để các bác sĩ tìm ra nguyên nhân bệnh lý để điều trị sớm. Còn nếu nguyên nhân là do di truyền thì sẽ không thể điều trị khỏi hoàn toàn được vì hiện nay y học của nước ta vẫn chưa thể can thiệp được về gen ở các bệnh lý có tính di truyền.

BS. Nguyễn Văn An